1. Khách thể của tội phạm.

Tội cưỡng đoạt tài sản thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, được quy định tại Điều 170 BLHS 2015. Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân, mà cụ thể hơn đó là quyền sở hữu về tài sản và quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.

Riêng đối với khách thể là quan hệ nhân thân, thì tính chất, mức độ xâm phạm của tội cưỡng đoạt tài sản ít nghiêm trọng hơn nhiều so với một số tội xâm phạm sở hữu (Ví dụ như tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản). Cụ thể nếu như tội cướp tài sản có thể gây những thiệt hại về thể chất thì tội cưỡng đoạt tài sản chỉ có thể gây ra những thiệt hại về tinh thần.

Đối tượng tác động của tội cưỡng đoạt tài sản là tài sản, có thể là vật, tiền,…Đối với những tài sản là đối tượng tác động của tội cưỡng đoạt tài sản thì đòi hỏi phải có đặc điểm là còn nằm trong sự chiếm hữu, quản lý của chủ tài sản. Ngoài ra, con người cũng là đối tượng tác động của hành vi cưỡng đoạt tài sản

2. Mặt khách quan của tội phạm.

Hành vi khách quan: Tại khoản 1 Điều 170 BLHS 2015 có quy định: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Như vậy, tội cưỡng đoạt tài sản được thể hiện dưới hai dạng: Một là, đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản. Hai là, thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

– Về hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có một khoảng cách nhất định về thời gian. Cho nên, người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.

– Về hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiện hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội (như đe dọa hủy hoại tài sản, loan tin về đời tư, tố giác hành vi phạm pháp…của người bị đe dọa).

Hậu quả: Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi hành vi khách quan trên được thực hiện, không phụ thuộc vào việc hậu quả của tội phạm đã xảy ra hay chưa. Hậu quả trong tội cưỡng đoạt tài sản không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, mà chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt.

3. Chủ thể của tội phạm.

Theo quy định của BLHS 2015 chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Tuy nhiên, đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là cá nhân.

4. Mặt chủ quan của tội phạm.

Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi đe dọa hoặc hành vi uy hiếp tinh thần của mình nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội những vẫn thực hiện hành vi chiếm đoạt một cách bất hợp pháp và vẫn mong muốn thực hiện bằng được các hành vi đó. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội cưỡng đoạt tài sản.

5. Hình phạt của tội cưỡng đoạt tài sản.

Điều 170 BLHS quy định bốn khung hình phạt đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

– Khung 1: Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt;

– Khung 2: Quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm

– Khung 3: Quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp nào sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

– Khung 4: Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm tram triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

– Hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 170 BLHS là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Những điểm mới về tội cưỡng đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự 2015 so với Bộ luật Hình sự 2009

Thứ nhất, bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng:, bổ sung các tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ”; “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2.

Thứ hai, bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, bổ sung tình tiết “Lợi dung thiên tại, dịch bệnh” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 3.

Thứ ba, bỏ tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản  4.

By Tâm

One thought on “Tội cướng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hình sự”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660