1. Khái niệm tội đánh bạc

Các tội phạm về cờ bạc là một khái niệm cụ thể của khái niệm tội phạm nói chung. Các tội phạm về cờ bạc được hiểu bao gồm ba tội danh: tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc.

Tội đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được (hoặc thua) bằng tiền hay lợi ích vật chất đáng kể (hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác). Đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không chỉ ảnh hưởng xấu kinh tế của gia đình và cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của tệ nạn xã hội và tội phạm khác.

2. Quy định của pháp luật về các tội phạm cờ bạc.

2.1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS thì người phạm tội đánh bạc bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm , là tội phạm ít nghiêm trọng.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, quy định tại Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội vừa đánh bạc với số tiền hay hiện vật có giá trị lớn, vừa đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

2.2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 321 BLHS.

Có tính chuyên nghiệp:

Việc xác định một người đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp cũng không đơn giản, bởi lẽ việc đánh bạc là xuất phát từ các trò chơi, nhiều người đam mê tới mức không thể bỏ được như nghiệm thuốc lá, nghiện rượu,…Vì vậy khi xác định tình tiết phạm tội này, không chỉ căn cứ vào số lần phạm tội mà phải căn cứ vào tính chất của hành vi và mục đích của người phạm tội.

Đối với trường hợp tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị 50.000.000 đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này không khó xác định, chỉ căn cứ vào giá trị của tiền, hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị 50.000.000 đồng trở lên.

Đối với trường hợp có sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Quan điểm xác định dùng mạng internet, mạng máy tính, phương tiện điện tử,…để phạm tội trong thực tế áp dụng tình tiết định khung tăng nặng còn chưa thống nhất. Ví dụ như việc dùng điện thoại để báo số lô, đề hay báo cá cược bóng đá,… thì có địa phương xác định là tình tiết tăng nặng theo điểm c khoản 2 Điều 321, 322 BLHS, nhưng có địa phương lại không coi đó là tình tiết tăng nặng.

Chính vì vậy, hiện nay TANDTC đã có công văn số 196/TANDTC-PC hướng dẫn theo hướng: “Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber…. để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa…) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.

Đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS thì tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xóa án mà lại phạm tội do cố ý.

Như vậy, đối với tội phạm này thì người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là người đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý bởi theo Điều 321 BLHS thì tội phạm này không có trường hợp nào là tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội trong các trường hợp tại khoản 2 của Điều luật thì người phạm tội có thể bị phạm tù từ ba năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

2.3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội:

Ngoài hình phạt chính thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Khi áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với người phạm tội cần chú ý: chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, không áp dụng là hình phạt chính.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660