1. Khái niệm tranh chấp đất đai.
Hiến pháp 2013 ghi nhận đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 “ Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đai giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lí, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp.
Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lí và sử dụng dất, không có quyền sở hữu đối với đất đai.
Tranh chấp đất đi luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thê nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
2. Một số dạng tranh chấp đất đai điển hình xảy ra trên thực tế thời gian qua.
Sự tồn tại của các dạng tranh chấp đất đai tự thân nó là sự phản ánh những đặc trưng của quan hệ pháp luật đất đai ở từng thời kì nhất định. Căn cứ vào tính chất pháp lí của các tranh chấp có một số dạng chủ yếu sau đây:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất;
- Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
- Tranh chấp về mục đích sử dụng đất
Tuy nhiên, trên thực tế xuất hiện dạng tranh chấp đất đai phổ biến sau đây:
Một là, tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất. Dạng tranh chấp đất này thường xảy ra ở vùng nông thôn, việc phát sinh thường là do lúc chuyển đổi đất đai hai bên không làm hợp đồng hoặc hợp đồng có được soạn thảo nhưng nội dung rất sơ sài đơn giản. Vì thế, sau một thời gian một bên cảm thấy quyền lợi bị thiệt thòi nên phát sinh tranh chấp, mặc dù vào thời điểm chuyển đổi hai bên đều đã nhất trí về các điều kiện để chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Hai là, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Dạng tranh chấp đất đai này xảy ra khá phổ biến, việc phát sinh thường là do một bên hoặc cả hai bên thực hiện không đúng giao kết như không trả tiền hoặc không giao đất, cũng có trường hợp do bị lừa dối hoặc sau khi ký kết hợp đồng thấy bị thiệt trong điều khoản thoả thuận về giá cả nên rút lại không thực hiện hợp đồng.
Nhiều trường hợp nội dung hợp đồng không đề cập rõ ràng về mục đích của hợp đồng không đề cập rõ ràng về mục đích của hợp đồng, không xác định cụ thể bên bán hay bên mua có nghĩa vụ đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất, làm thủ tục,.. đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.
Ba là, tranh chấp hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất. Việc phát sinh dạng tranh chấp đất này là do một bên hoặc cả hai bên vi phạm các điều khoản của hợp đồng như:
- Hết thời hạn thuê đất nhưng không chịu trả lại đất cho bên thuê.
- Không trả tiền thuê đất.
- Sử dụng đất không đúng mục đích thuê.
- Đòi lại đất trước thời hạn hợp đồng.
Bốn là, tranh chấp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Dạng tranh chấp này thường phát sinh sau khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết, nhưng bên vay đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã cam kết.
Năm là, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Dạng tranh chấp đất đai này thường xảy ra do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Người có quyền sử dụng đất chết không để lại di chúc và những người thừa kế theo pháp luật không thoả thuận được với nhau về việc phân chia di sản thừa kế hoặc không hiểu biết về các quy định của pháp luật thừa kế, nên dẫn đến việc phát sinh tranh chấp.
- Người sử dụng đất trước khi chết có lập di chúc để lại thừa kế quyền sử dụng đất nhưng di chúc đo trái pháp luật.
Sáu là, tranh chấp do lấn, chiếm đất. Loại tranh chấp này xảy ra do một hoặc cả hai bên đã chiếm dụng đất của nhau. Có trường hợp trước đây khi thi hành chính sách cải tạo nông nghiệp, Nhà nước đã giao đất cho người khác sử dụng, nay chủ cũ tự động chiếm lại đất canh tác dẫn đến việc phát sinh tranh chấp. Ngoài ra, còn tồn tại một số dạng tranh chấp đất đai cụ thể trên thực tế như: tranh chấp về việc làm thiệt hại đến việc sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản gắn liền với đất, tranh chấp đất trong vụ án ly hôn, tranh chấp về cản trở việc thực hiện quyền sử dụng đất.