1. Khái niệm.
Trước đây, đất khai hoang được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT như sau:
“Đất khai hoang: Là đất đang để hoang hóa, đất khác đã quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt”
Tuy nhiên, hiện nay Thông tư này đã hết hiệu lực và pháp luật đất đai không có giải thích cũng như quy định nào về đất khai hoang nữa. Mà đất khai hoang chỉ là cách gọi phổ biến của người dân, căn cứ vào thực tiễn sử dụng và nguồn gốc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân có thể hiểu đất khai hoang theo nghĩa như sau:
Đất khai hoang là đất đang để hoang hóa, đất khác mà thời điểm sử dụng đất trên thực địa không thuộc quyền sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác. Việc sử dụng đất khai hoang là sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật.
2. Đất khai hoang có được cấp sổ đỏ không?
Như phân tích khái niệm ở trên thì có thể thấy, đất khai hoang thực tế là đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất căn cứ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Chính vì vậy, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cho đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013 và hướng dẫn bởi các Điều 20, 21, 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013; có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, pháp luật đất đai còn có quy định về trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) và không vi phạm pháp luật đất đai. Khi đó, chỉ một số trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất.
Đối với trường hợp có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014, hộ gia đình, cá nhân vẫn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp như sau:
Một là, trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh và mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó. Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi thu hồi nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
Hai là, trường hợp đang sử dụng đất không thuộc quy hoạch cho mục đích như trên thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận.
Riêng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (được cấp Giấy chứng nhận) theo hạn mức do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
Như vậy, có thể thấy, dù là đất khai hoang nhưng chỉ cần có đủ điều kiện theo quy định trên sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
[…] Trích nguồn: … […]