1. Các nguyên tắc chung khi giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc giải quyết tranh chấp đất đai cần được tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản như sau:

Một là, luôn đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đây là nguyên tắc rất cơ bản trong hoạt động giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quan hệ pháp luật đất đai thuộc sở hữu toàn dân, bảo vệ quyền lợi cho người đại diện của chở hữu, bảo vệ thành quả cách mạng về ruộng đất. Cần quán triệt quan điểm xuyên suốt của Nhà nước là không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chỉ là những người được Nhà nước giao dất cho sử dụng chứ không có quyền sở hữu đối với đất đai. Vì vậy, khi giải quyết các tranh chấp đất đai, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là người đại diện; bảo vệ quyền đại diện sở hữu đất đai nhà nước; bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được.

Hai là, nguyên tắc bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích việc tự thương lượng trong nội bộ quần chúng nhân dân. Thực hiện nguyên tắc này, hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai đã thể hiện tư tưởng đổi mới trong quá trình Nhà nước điều hành các quan hệ xã hội về đất đai. Xét cả mặt lí luận và thực tiễn, lợi ích bao giờ cũng là vấn đề cốt lõi trong hầu hết các quan hệ xã hội và đất đai là một trong những lợi ích quan trọng nhất của mọi tầng lớp. Nếu lợi ích của người sử dụng đất không được đảm bảo thì việc sử dụng đất không thể đạt được hiệu quả mong muốn, đây là giải pháp thuyết phục khi giải quyết các tranh chấp đất đai. Để bảo vệ một cách tốt nhất những lợi ích thiết thân đó, trước hết các bên tranh chấp phải gặp nhau để bàn bạc, thảo luận và thương lượng. Đó cũng là cơ sở quan trọng đảm bảo quyền tự định đoạt cho các đương sự. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chỉ thụ lí đơn khi các bên đã tiến hành qua thủ tục này mà không đạt được sự nhất trí cần thiết.

Ba là, nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai phải nhằm mực đích ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Do ảnh hưởng tiêu cực của tranh chấp đất đai đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nên việc giải quyết phải nhằm vào mục đích bình ổn các quan hệ xa hội. Chú ý đảm bảo quá trình sản xuất của người dân, tránh làm ảnh hưởng, dây chuyền đến cơ cấu sản xuất chung. Đồng thời cải thiện và bố trí, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất hàng hoá theo chủ trương của Đảng. Việc giải quyết tranh chấp đất đai phải nhằm mục đích ổn định tình hình kinh tế – xã hội, gắn việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với việc tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho lao động ở nông thôn có việc làm phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá.

2. Các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai.

2.1. Hòa giải.

Các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau, nếu hòa giải không thành thì yêu cầu Ủy ban nhân cấp xã hòa giải. Cụ thể như sau:

Nếu hòa giải thành: UBND cấp xã lập biên bản chứng nhận kết quả hòa giải. Nếu hòa giải mà làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất ban đầu thì UBND cấp xã phải gửi biên bản cho Phòng tài nguyên môi trường hoặc Sở tài nguyên môi trường để được thông qua và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai mới.

Nếu hòa giải không thành: Đối với tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bên yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết. Còn nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai thì yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2.2. Giải quyết tranh chấp.

Tùy vào từng vụ việc mà sẽ do UBND cấp huyện hay UBND cấp tỉnh giải quyết:

UBND cấp huyện: giải quyết các trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

UBND cấp tỉnh: giải quyết các trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660