Do nhu cầu đa dạng về việc sử dụng nhà ở nên pháp luật cũng có sự phân loại về nhà ở thành nhiều loại khác nhau, bao gồm nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà công vụ, nhà để phục vụ tái định cư. Trong bài viết này, Luật Công Tâm sẽ phân tích thế nào là nhà ở riêng lẻ, xây dựng nhà ở riêng lẻ có cần giấy phép không.
Nhà ở riêng lẻ là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 có định nghĩa về nhà ở riêng lẻ như sau:
” 2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. “
Căn cứ tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9411:2012 về Nhà ở liền kề – Tiêu chuẩn thiết kế định nghĩa về nhà ở riêng lẻ như sau:
“Nhà ở riêng lẻ
Công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở, thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật kể cả trường hợp xây dựng trên lô đất của dự án nhà ở“
Ngoài ra, căn cứ khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 cũng định nghĩa về nhà ở riêng lẻ như sau:
“29. Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật. ”
Tuy nhiên, do định nghĩa theo Luật Xây dựng có phạm vi nhỏ hơn, dẫn đến những cách hiểu khác nhau nên khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 về định nghĩa nhà ở riêng lẻ đã bị bãi bỏ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 từ ngày 01/01/2021.
Đặc điểm của nhà ở riêng lẻ
Căn cứ vào những định nghĩa trên, có thể thấy nhà ở riêng lẻ có một số đặc điểm như sau:
- Chủ sở hữu công trình nhà ở riêng lẻ có thể là cá nhân, tổ chức hoặc hộ gia đình;
- Được xây dựng trên thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người sử dụng đất: Quyền sử dụng hợp pháp có thể được hiểu là người sử dụng đất sử dụng đất được Nhà nước công nhận/giao/cho thuê hợp pháp hoặc được sử dụng đất thông qua việc mượn, ở nhờ,…
- Nhà ở riêng lẻ được tồn tại dưới hình thức là nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập.
Xây dựng nhà ở riêng lẻ có cần xin giấy phép không?
Hiện nay, việc xây dựng các công trình trên đất, trong đó có nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng 2014, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và các văn bản khác có liên quan.
Theo đó, Điều 89 Luật Xây dựng 2014 và khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về một số công trình là nhà ở riêng lẻ không phải xin giấy phép xây dựng (miễn giấy phép xây dựng) gồm:
“2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
h) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;”
Như vậy, ngoài những trường hợp được miễn quy định tại Điều luật trên thì mọi nhà ở riêng lẻ khi xây dựng đều phải xin giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng.
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí
Trên đây, Luật Công Tâm đã có những phân tích xoay quanh vấn đề về nhà ở riêng lẻ. Nếu còn những thắc mắc về vấn đề trên hoặc có yêu cầu tư vấn pháp luật khác, hãy liên hệ ngay tới Luật Công Tâm để được hỗ trợ hoặc tư vấn miễn phí.
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.
Xem thêm:
– Thời hạn sử dụng đất
– Hạn mức đất ở