Chiếm giữ trái phép tài sản là (Hành vi) không trả lại tài sản mình được giao nhầm hoặc không nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mình tìm được, bắt được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản đó.
Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó.
Tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện bởi một trong các hành vi: cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại.
Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác đang có một cách hợp pháp thành tài sản của mình một cách trái phép. Biểu hiện của sự chuyển dịch này là hành vi tiếp tục chiếm hữu, là hành vì sử dụng hoặc là hành vi định đoạt tài sản. Xét về tính chất, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản.
Giữa hai hành vi này chỉ có sự khác nhau ở đặc điểm của tài sản là đối tượng của hành vi phạm tội – đối tượng của hành vi chiếm giữ là tài sản đang trong tình trạng không có người quản lí như tài sản bị giao nhầm, bị bỏ quên, bị đánh rơi… còn đối tượng của hành vi chiếm đoạt là tài sẵu đang có người quản lí…
Điều 175 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Về hành vi phạm tội
Về hành vi: Đối tượng có hành vi (không hành động) cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc các vật mang giá trị lịch sử, văn hóa cho phía chủ sở hữu, người quản lý một cách hợp pháp hoặc không tiến hành giao nộp cho phía cơ quan có trách nhiệm.
Tài sản, cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hóa nêu trên mà người thực hiện hành vi phạm tội chiếm hữu, có được do bị người khác giao nhầm hoặc do chính người phạm tội tìm được, bắt được.
Về giá trị tài sản: Trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt được phải từ 10.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cổ vật hoặc các vật mang giá trị lịch sử văn hóa thì pháp luật không quy định giá trị để làm căn cứ trách nhiệm hình sự vì đây là những vật mang giá trị về mặt tinh thần hết sức quý giá nên không thể tiến hành định giá một cách cụ thể như những loại tài sản thông thường.
Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Đó là hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép. Hành vi này được thể hiện dưới những hình thức sau đây:
Không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản đó mà chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó.
Không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản mà mình tìm được, bắt được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó. Cơ quan có trách nhiệm ở đây là công an hoặc chính quyền địa phương, nơi mà tài sản được tìm thấy, bắt được.
Được xem là không trả lại hoặc không giao nộp khi mà người phạm tội đã quyết định định đoạt về tài sản đó (ví dụ như bán, tiêu dùng, tẩu tán hoặc thực hiện các hành vi khác làm mất khả năng trả lại hoặc giao nộp) hoặc từ chối việc trả lại, giao nộp.
Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, bị rơi không thu hồi được. Tuy nhiên, nếu là tài sản bình thường không phải là di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì mới cấu thành tội phạm này.
Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhân thức rõ hậu quả xâm phạm đến quyền tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
HÃY ĐỂ LUẬT CÔNG TÂM BẢO VỆ BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU CỦA BẠN. LUẬT CÔNG TÂM NƠI GỬI TRỌN NIỀM TIN VÀO CÔNG LÝ
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.