Sử dụng thủ đoạn gian dối với mục đích tiếp cận tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu cơ bản trong cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 BLHS) và cũng là căn cứ để phân biệt với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác. Tuy nhiên, thủ đoạn gian dối không chỉ xuất hiện trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà còn xuất hiện ở một số tội khác như tội “Cướp giật tài sản”.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyên giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt tài san. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi: có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

+Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như lời nói, chữ viết, hành động để chiếm đoạt tài sản.

+Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả dùng thủ đoạn gian dối.

Đối với hành vi người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản trong một số trường hợp còn tồn tại quan điểm khác nhau về việc định tội danh.

Xét về hành vi khách quan: Do điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội “Cướp giật tài sản”, căn cứ vào khái niệm và các yếu tố cấu thành tội “Cướp giật tài sản”, qua tổng kết thực tiễn có thể xác định đặc trưng của tội “Cướp giật tài sản” là hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc).

Chính vì hành vi giật tài sản đã bao gồm bản chất của tội cướp giật nên nhà làm luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật trong điều luật.

Thực tiễn xét xử tội “Cướp giật tài sản” thì hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Hành vi cướp giật tài sản thường biểu hiện dưới dạng lợi dụng sơ hở của người khác để giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Ví dụ: hành vi giật dây chuyền vàng, giật túi xách, điện thoại,… Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, gian dối để tiếp cận tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, sau đó nhanh chóng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn.

Hành vi cướp giật tài sản dù thực hiện ở dạng thông thường hay phức tạp nhưng dấu hiệu thể hiện rõ nhất cấu thành loại tội phạm này để phân biệt với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác đó là “hành vi thực hiện công khai, nhanh chóng, bất ngờ” làm cho người bị hại dù biết việc bị chiếm đoạt tài sản nhưng không kịp phản ứng.

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội.

Hơn nữa, trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo, người bị lừa đảo tự mình chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối (lừa đảo). Đây chính là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt đối với tội “Cướp giật tài sản”.

Như vậy, trong một số trường hợp đặc biệt, giữa tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có điểm chung đó là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, thủ đoạn gian dối trong tội “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản” là hành vi của người phạm tội làm cho bị hại tin tưởng là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người phạm tội có quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản.

Thời điểm người bị hại biết bị lừa đảo là sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định. Thủ đoạn gian dối trong tội “Cướp giật tài sản” cũng tương tự như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng không có sự việc người bị hại tin tưởng và tự nguyện giao tài sản mà người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối trước, sau đó lợi dụng sơ hở của bị hại để nhanh chóng chiếm đoạt tài sản.

Người bị hại hoàn toàn nhận thức được việc bị chiếm đoạt tài sản trong thời điểm đó nhưng do hành vi chiếm đoạt của người phạm tội thực hiện quá nhanh nên họ không kịp phản ứng.

HÃY ĐỂ LUẬT CÔNG TÂM BẢO VỆ BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU CỦA BẠN. LUẬT CÔNG TÂM NƠI GỬI TRỌN NIỀM TIN VÀO CÔNG LÝ
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@
gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660