Vai trò Luật sư trong giai đoạn điều tra của vụ án hình sự là rất quan trọng, bởi đây là giai đoạn chuẩn bị, nền móng cho một vụ án hình sự. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình trong vụ án hình sự, Luật sư cần trực tiếp tham gia vào vụ án càng sớm càng tốt, đặc biệt là ngay từ khi bắt đầu “điều tra” vụ án hình sự. Trong bài viết này, Công ty Luật Công Tâm sẽ giải đáp cho khách hàng về việc Luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc Luật sư tham gia giải quyết vụ án hình sự

  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
  • Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012.

2. Điều tra vụ án hình sự là gì?

Để biết được phạm vi hoạt động của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cần hiểu, điều tra vụ án hình sự là giai đoạn thứ hai sau giai đoạn khởi tố vụ án do cơ quan điều tra (bao gồm cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra – sau đây gọi chung là cơ cơ quan có thẩm quyền điều tra) thực hiện

Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là phải thu thập được những chứng cứ, bao gồm cả chứng cứ buộc tội để chứng minh tội phạm, người, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội, xác định tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ tránh nhiệm hình sự của bị can, cũng như làm rõ những vấn đề cần chứng minh theo quy định tại Điều 85 BLTTHS nhằm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội

Các hoạt động điều tra vụ án hình sự bao gồm:

  • Khởi tố và hỏi cung bị can
  • Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng.
  • Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật
  • Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra
  • Giám định và định giá tài sản

3. Luật sư được tham gia từ giai đoạn nào của vụ án hình sự?

Theo quy định tại BLTTHS 2015, Luật sư có thể tham gia với tư cách Người bào chữa hoặc Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, của bị hại, của đương sự.

Theo Điều 74 BLTTHS 2015, Luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ thì có thể tham gia từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Đối với trường hợp cần giữ bí mật điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để Luật sư tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

4. Phạm vị hoạt động của Luật sư trong giai đoạn điều tra

Phạm vi trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự của Luật sư được xác định từ khi có quyết định khởi tố vụ án và kết thúc khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ban hành bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Về thời điểm luật sư tham gia hoạt động tố tụng, Điều 74 BLTTHS 2015 quy định như sau:

“Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”

Theo quy định nêu trên, người bào chữa nói chung, luật sư nói riêng được tham gia tố tụng, trong đó có việc tham gia một số hoạt động điều tra từ 1 trong 3 thời điểm, đó là:

  • Thứ nhất, từ khi khởi tố bị can;
  • Thứ hai, từ khi người bị bắt (trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, đang bị truy nã) có mặt tại trụ sở của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ;
  • Thứ ba, từ khi kết thúc điều tra trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và thẩm quyền quyết định việc tham gia các hoạt động tố tụng của luật sư thuộc về Viện trưởng VKS có thẩm quyền.

Mỗi thời điểm nêu trên đều gắn với một quyết định tố tụng cụ thể của người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, việc tham gia một số hoạt động điều tra của Luật sư chủ yếu là ở thời điểm “từ khi khởi tố bị can”. Thực tiễn chứng minh rằng việc luật sư có thể tham gia tố tụng ở thời điểm thứ hai là rất hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau, còn ở thời điểm thứ ba thì luật sư chỉ có thể tham gia vào một số hoạt động điều tra bổ sung bởi vì đã kết thúc điều tra nhưng vụ án có hoạt động điều tra bổ sung hay không lại phụ thuộc vào quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Từ những nội dung nêu trên có thể nhận thấy, phạm vi tham gia một số hoạt động điều tra của luật sư về thời gian bắt đầu từ ba thời điểm đã nêu và kết thúc khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ban hành bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

5. Vai trò luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Sự xuất hiện của của Luật sư trong giai đoạn điều tra giải quyết được rất nhiều vấn đề quan trọng trong tố tụng hình sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ mình. Cụ thể:

  • Khi thân chủ trong vụ án hình sự không hiểu biết hết về quyền lợi của mình trong giai đoạn điều tra và không tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra.
  • Luật sư giúp thân chủ nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các quy trình tố tụng, thời gian, quá trình giải quyết. Giúp cho thân chủ của mình hiểu một cách tổng thể nhất về việc giải quyết vụ án. Tránh tối đa việc tốn kém chi phí không cần thiết, an tâm, suy nghĩ sáng suốt khi giải quyết công việc.
  • Giúp cho thân chủ yên tâm, bình tĩnh đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan điều tra đang xử lý.
  • Giúp cho thân chủ đưa ra định hướng, phương pháp khắc phục hậu quả, thu thập tài liệu, chứng cứ minh oan, giảm nhẹ hình phạt hoặc tìm ra sự thật khách quan của vụ án
  • Gặp gỡ làm việc với cơ quan tố tụng để bảo vệ thân chủ xử đúng pháp luật cho thân chủ.
  • Luật sư gặp trực tiếp thân chủ trong trại tạm giam hoặc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng hỏi cung để làm sáng tỏ vụ án.
  • Trực tiếp bào chữa cho thân chủ tại phiên tòa.

Việc luật sư tham gia vào vụ án hình sự sớm sẽ có tác dụng trong việc chứng minh sự thật khách quan, giúp cơ quan điều tra chứng minh, làm sáng tỏ tình tiết, hành vi, nội dung vụ án. Hạn chế tối đa nhất việc oan, sai hoặc áp dụng hình phạt quá nặng trong việc giải quyết các vụ án hình sự và giúp cho thân chủ tránh tối đa lãng phí chi phí không cần thiết, đạt được hiệu quả tối đa trong khi giải quyết công việc.

6. Yêu cầu đối với việc Luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Khi luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự theo luật định cần quán triệt các yêu cầu sau:

  • Thứ nhất: Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng.

Khi tham gia vào hoạt động đối chất, nhận dạng… luật sư phải thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 189, Điều 190, Điều 178 BLTTHS năm 2015. Khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, luật sư phải kịp thời giao cho Cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án…

Bên cạnh đó, Luật sư còn có vai trò “giám sát” việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động điều tra mà những người tiến hành tố tụng đã, đang thực hiện nhằm đảm bảo mọi hành vi và quyết định tố tụng liên quan đến thân chủ của mình đều phải dựa trên cơ sở các quy định của BLTTHS, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật để yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết được quy định để khắc phục vi phạm đó.

  • Thứ hai: Tôn trọng sự thật khách quan khi tham gia vào các hoạt động điều tra: Tôn trọng sự thật khách quan là tôn trọng những chứng cứ có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và từ các nguồn chứng cứ được ghi nhận tại Điều 87 BLTTHS năm 2015
  • Thứ ba: phải giữ bí mật điều tra khi tham gia hoạt động điều tra và khi thực hiện bào chữa.

Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là nghĩa vụ của Luật sư được quy định tại các điểm e, g khoản 2 Điều 73 BLTTHS năm 2015. Giữ bí mật điều tra là một trong những yếu tố quan trọng góp phần khám phá tội phạm. Theo quy định của pháp luật thì bí mật điều tra gồm những thông tin về điều tra vụ án hình sự từ khi có quyết định khởi tố vụ án đến khi có kết luận điều tra của cơ quan điều tra, những thông tin về kết quả kiểm sát điều tra…

7. Luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự như thế nào?

7.1 Luật sư tham gia hoạt động điều tra vụ án hình sự với tư cách người bào chữa

Thực tế, luật sư có thể tham gia tố tụng bào chữa cho người bị buộc tội thuộc các trường hợp như: Một luật sư tham gia bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ hoặc nhiều bị can; nhiều luật sư cùng tham gia bào chữa cho một người bị tạm giữ hoặc một bị can; 1 luật sư tham gia bào chữa cho một người bị tạm giữ hoặc bị can; luật sư tham gia bào chữa cho bị can đang tại ngoại;…

Để thực hiện được điều này, luật sư cần chuẩn bị giấy tờ, đăng ký bào chữa tại Cơ quan điều tra đối với vụ án mà luật sư được mời tham gia. Luật sư điều tra vụ án hình sự thể hiện ở các hoạt động sau:

  • Tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can

Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa được quyền có mặt khi hỏi cung bị can và nếu được điều tra viên đồng ý thì có thể đặt câu hỏi đối với bị can.

Khi tham gia hoạt động điều tra, theo dõi việc hỏi cung bị can của điều tra viên, luật sư lắng nghe các câu hỏi của điều tra viên và câu trả lời của thân chủ để nắm được nội dung vụ án. Bên cạnh đó, luật sưu phải ghi lại chi tiết những hành vi, ứng xử của điều tra viên, kiểm sát viên trong buổi hỏi cung, để sau này sau khi đọc hồ sơ vụ án, Luật sư có thể hiểu một cách toàn diện và đầy đủ nhất.

  • Thu thập các tài liệu, chứng cứu liên quan đến việc bào chữa

Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 ghi nhận 03 quyền của người bào chữa, bao gồm: Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.

Theo điều 88 BLTTHS năm 2015, để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Khi tiếp cận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 BLTTHS năm 2015. Theo quy định của pháp luật thì những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu, đồ vật do CQĐT thu thập.

Trong trường hợp việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn, người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản. Cùng với việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại, thì ây là biên pháp rất quan trọng nhằm bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, là cơ sở cho việc nâng cao vị thế của người bào chữa trong TTHS.

  • Luật sư tham gia một số hoạt động điều tra khác

Một số hoạt động điều tra khác mà Luật sư có thể tham gia là:

– Tham dự, giám sát việc khám nghiệm hiện trường theo khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015;

– Tham gia giám sát hoạt động điều tra của điều tra viên, trường hợp phát hiện ra những sai sót của cơ quan điều tra thì kiến nghị kịp thời đề nghị cơ quan điều tra, điều tra viên khắc phục đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng;

– Khi tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, nếu luật sư nhận thấy cần thiết phải trưng cầu giám định, giám định lại, giám định bổ sung hoặc đối chất, khai quật tử thi.. thì luật sư cần có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động đó và yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp cho mình kết quả giám định theo quy định của BLTTHS;

– Luật sư khi tham gia hoạt động đối chất: Khi điều tra viên thực hiện những hoạt động này, luật sư giám sát, ghi chép đầy đủ những câu hỏi, nội dung trả lời của những người tham gia đối chất về những vấn đề mâu thuẫn. Khi được Điều tra viên đồng ý, luật sư có thể trực tiếp hỏi người tham gia đối chất về những vấn đề chưa rõ, cần mâu thuẫn…;

– Luật sư tham gia hoạt động nhận dạng;

– Giám sát, phát hiện các vi phạm tố tụng của Điều tra viên và đưa ra yêu cầu, đề xuất.

7.2 Luât sư tham gia hoạt động điều tra với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ich hợp pháp cho bị hại, đương sự

Nếu như đối với người bị buộc tội pháp luật quy định những trường hợp bào chữa chỉ định thì khi bảo vệ cho bị hại, cho đương sự trong vụ án, luật sư chỉ tham gia khi được khách hàng mời. BLTTHS quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại của đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Sau khi được khách hàng mời, để tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại trong vụ án hình sự, luật sư phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan đang thụ lý vụ án. Luật sư điều tra vụ án hình sự thể hiện cụ thể như sau:

  • Tham gia hoạt động điều tra cùng cơ quan điều tra: Khi bị hại nhận được giấy triệu tập làm việc của cơ quan điều tra, luật sư có thể cùng bị hại tham gia các hoạt động điều tra. BLTTHS quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại được quyền có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ.
  • Thu thập tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu, trao đổi, kiến nghị: BLTTHS quy định khi tham gia vụ án hình sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu.

Trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, từ những thông tin, tài liệu, chứng cứ có được, luật sư cần phân tích, đánh giá để từ đó tự mình hoặc qua thân chủ đưa ra yêu cầu phù hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Khi tham gia quá trình điều tra, căn cứ và các thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được, luật sư có thể trao đổi, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để vụ án được giải quyết đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đang cho thân chủ

  • Yêu cầu giám định, định giá tài sản: Để đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, BLTTHS cũng quy định cho bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại được quyền đề nghị, yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định pháp luật.
  • Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ an toàn cho bị hại: Luật sư có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có biện pháp, can thiệp để bảo vệ bị hại.
  • Thực hiện quyền khiếu nại: Trong quá trình tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nếu nhận thấy cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có những quyết định hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có những hành vi trái quy định pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bị hại, luật sư cs quyền kiến nghị, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

7.3 Luật sư tham gia hoạt động điều tra với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can

Sau khi đăng ký, trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, luật sư được quyền tham gia các hoạt động điều tra liên quan đến đương sự mà mình bảo vệ. BLTHS quy định luật sư được quyền có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ.

Trong quá trình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong giai đoạn điều tra, tùy theo địa vị pháp lý, sự liên quan của thân chủ, các vấn đề cần chứng minh trong vụ án…, luật sư có thể sử dụng các kỹ năng, quyền được pháp luật quy định để tiến hành các hoạt động giúp làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, công bằng đúng quy định của pháp luật, cụ thể như:

– Thu thập các tài liệu, đồ vật có liên quan đến đương sự mà luật sư bảo vệ, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án;

– Trong trường hợp nhận thấy cần tiến hành giám định, định giá tài sản liên quan đến thân chủ mình, luật sư có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giám định, định giá tài sản;

– Nếu nhận thấy quá trình giải quyết vụ án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có dấu hiệu sai phạm, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, quyền và lợi ích chính đáng của đương sự mà mình bảo vệ, luật sư có thể trao đổi, kiến nghị, khiếu nại đến cơ quan, người có thẩm quyền; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng nếu có đủ căn cứ theo quy định pháp luật.

Kết thúc điều tra, luật sư được quyền đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu tỏng hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, 
Cầu Giấy, Hà N
ội.

By Tâm

2 thoughts on “Vai trò của luật sư giai đoạn điều tra như thế nào?”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660