Trong quá trình xử giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ có thể ra các quyết định hoặc bản án dựa trên cơ sở các chứng cứ chứng minh về sự việc phạm tội cũng như con người thực hiện tội phạm và những tình tiết khác có liên quan. Tội phạm khi thực hiện bao giờ cũng để lại dấu vết bên ngoài thế giới khách quan, do đó khi tiến hành chứng minh làm rõ vụ án cần phải thu thập các dấu vết tội phạm để lại làm căn cứ để khôi phục toàn bộ diễn biến của vụ án đưa đến nhận thức đúng đắn mang tính khách quan về tội phạm. Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 định nghĩa về chứng cứ như sau:“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Như vậy, nhận thấy chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án hình sự. Chứng cứ là những sự vật, hiện tượng có thật và thống nhất không thể tách rời, vì vậy xem xét từng thuộc tính của chứng cứ phải trong mối liên hệ với các thuộc tính khác và trong mối quan hệ tổng thể gồm: tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp.
Trong tố tụng hình sự, người bào chữa có vị trí và vai trò quan trọng, không những có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn góp phần làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án, đảm bảo công bằng trong quá trình giải quyết vụ án. Người bào chữa là một loại người tham gia tố tụng, là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa [1]. Theo quy định của Điều 72, BLTTHS năm 2015 thì người bào chữa bao gồm: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý. Trong đó có Luật sư, người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư và tham gia hoạt động tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo quy định pháp luật.
Khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”. Điều này đồng nghĩa với việc lần đầu tiên tố tụng hình sự Việt Nam đã trực tiếp thừa nhận “Người bào chữa là chủ thể có quyền thu thập chứng cứ” trong quá trình thực hiện hoạt động gỡ tội cho thân chủ của mình. Đây là một quy định rất tiến bộ, thể hiện sự đổi mới trong tư duy lập pháp khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Luật sư trong việc góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Từ các phân tích trên, có thể hiểu, quyền thu thập chứng của người bào chữa tại giai đoạn điều tra vụ án hình sự là quyền của những người có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội được tiến hành các hoạt động thu thập, đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh các vấn đề khách quan của vụ án theo quy định của pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự góp phần làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án, bảo đảm công bằng, công lý và các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.