Giai đoạn điều tra được bắt đầu từ sau khi quyết định khởi tố vụ án hình sự được phê chuẩn và kết thúc khi cơ quan điều tra hoàn thành bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố người phạm tội. Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó, cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được sử dụng các biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để thu thập chứng cứ xác định sự thật vụ án, chứng minh tội phạm, chủ thể thực hiện tội phạm và những vấn đề khác có liên quan đến vụ án làm cơ sở cho việc truy tố, xét xử. Hơn nữa, thông qua giai đoạn này, cơ quan điều tra xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội với từng vụ án cụ thể và yêu cầu các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa từ phía cơ quan và tổ chức hữu quan.

Như vậy, giai đoạn điều tra có vai trò rất quan trọng, giai đoạn này sẽ có nhiệm vụ xác định tội phạm, xác định người thực hiện hành vi phạm tội và xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện biện pháp phòng ngừa. Khi tiếp nhận được nguồn tin về tội phạm cơ quan điều tra có nhiệm vụ thu thập các chứng cứ để xác định có hay không có sự việc phạm tội xảy ra. Do vậy, trong giai đoạn điều tra, người bào chữa có vai trò quan trọng. Với tư cách là người bị buộc tội thì môi trường tư pháp hình sự dễ tác động tiêu cực và tổn thương đến họ. Môi trường này có tính chất đặc thù, phức tạp và mang sự cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước, thậm chí còn có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nghiêm khắc như tạm giữ, tạm giam, các biện pháp ngăn chặn, biện pháp hạn chế quyền con người nên người người bị buộc tội rất dễ bị tổn thương.

Có thể thấy, quyền con người rất dễ bị xâm hại vì đối tượng này thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội. Sự yếu thế thể hiện ở việc họ đang phải chịu sự lên án nghiêm khắc của Nhà nước và xã hội trước những hành vi phạm tội mà họ gây ra. Họ bị cưỡng chế thực hiện những hoạt động, công việc nhất định, quyền tự do bị hạn chế, thậm chí còn bị cách ly ra khi đời sống xã hội hoặc bị tước đoạt mạng sống. Họ phải đối mặt với đội ngũ cán bộ trong tư pháp hình sự được pháp luật trao quyền lực với công cụ, phương tiện hỗ trợ nghiêm khắc nên dễ thực hiện nhiệm vụ “vượt quá mức cần thiết”, cùng với việc họ mặc cảm, thái độ chấp nhận hoặc không biết rằng quyền của mình đang bị xâm hại.

Vì vậy, người bào chữa là người có hiểu biết pháp luật sâu sắc, có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và nắm bắt rõ các quyền mà người bị buộc tội có được trong giai đoạn điều tra. Thông qua hoạt động của mình, người bào chữa góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đưa ra các lập luận, chứng cứ chứng minh về không có dấu hiệu của tội phạm. Hơn nữa, người bào chữa còn đại diện cho tiếng nói của người bị buộc tội, thay mặt họ thực hiện những vấn đề được pháp luật cho phép, kịp thời nắm bắt, hiểu những nguyện vọng, phát hiện ra những sai phạm vi phạm quyền con người trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự để phản ánh lên cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, người bào chữa được sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Căn cứ vào các lập luận, chứng cứ mà người bào chữa đưa ra, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác thực, đánh giá và xem xét tránh để những trường hợp oan sai xảy ra.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660