Người bào chữa luôn theo sát quá trình giải quyết vụ án, thu thập các chứng cứ, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, đó là các chứng cứ gỡ tội, chứng cứ có lợi cho người bị buộc tội. Trong giai đoạn điều tra, việc thu thập chứng cứ của Luật sư được chủ động thực hiện thông qua các hoạt động sau:

Thứ nhất, nhóm quyền trực tiếp thu thập chứng cứ. Đây là nhóm các quyền người bào chữa được trực tiếp tham gia vào các hoạt động, biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ liên quan đến vụ án, các quyền được quy định chung tại Điều 73, BLTTHS năm 2015. Tại nhóm quyền này, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe những vấn đề họ mà họ trình bày liên quan đến vụ án. Đồng thời, người bào chữa để cho người mình bào chữa trình bày, xác minh tính xác thực trong các biên bản ghi lời khai do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.

Lời trình bày của những người này có vai trò quan trọng, có thể trở thành chứng cứ được sử dụng trong vụ án hình sự, có thể giúp người bị buộc tội bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. BLTTHS năm 2015 còn quy định, người bào chữa được có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Sự có mặt của người bào chữa trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai sẽ giúp người bào chữa có cái nhìn toàn diện hơn, đồng thời góp phần bảo đảm sự khách quan, đúng trình tự và trấn an tinh thần người bị buộc tội mà mình bào chữa chữa. Điều này cũng được thể hiện khi người bào chữa có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS. Ngoài ra, người bào chữa được xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa.

Về vấn đề gặp người bị buộc tội được quy định tại Điều 12, Thông tư số 46/2019/TT-BCA, cụ thể: “Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ”. Như vậy, thông qua quyền được pháp luật cho phép về việc người bào chữa được tự mình thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ đúng quy định của pháp luật sẽ giúp quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng hơn, góp phần bảo vệ được công lý, công bằng trong giai đoạn điều tra.

Các hoạt động gặp, hỏi người bị buộc tội, người làm chứng, bị hại giúp người bào chữa nắm bắt được các tình tiết được rõ ràng, tiến hành phân tích, đánh giá và thu thập được những thông tin, chứng cứ quan trọng, có ý nghĩa và giá trị vào việc chứng minh, lập luận được khách quan, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý. Qua đó, kịp thời kiến nghị, phản ánh và nộp cho cơ quan có thẩm quyền chứng cứ mà người bào chữa thu thập được nhằm làm rõ ràng, sáng tỏ tình tiết khách quan của vụ án, tránh oan sai, nhầm lẫn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hơn nữa, quá trình trình trao đổi, gặp, hỏi người bị buộc tội, người bào chữa sẽ có cái nhìn toàn diện, tìm ra những điểm chưa trùng khớp với các chứng cứ mà cơ quan điều tra cung cấp, giữa các lời khai của các chủ thể có sự mâu thuẫn với nhau, từ đó, họ sẽ tìm ra những chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mà họ bào chữa.

Thứ hai, quyền được yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ. Đây là các quyền của người bào chữa thông qua việc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 73 BLTTHS năm 2015, người bào chữa có quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.

Như vậy, thông qua các hoạt động này, người bào chữa có thể đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động theo quy định để kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Điều này sẽ giúp người bào chữa nếu thấy có sự mâu thuẫn trong chứng cứ với nhau có điều kiện đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại nhằm phát hiện ra những sai sót, những điểm bất thường trong chứng cứ để xử lý kịp thời. Ngoài ra, người bào chữa có có quyền được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra. Việc được sao chụp, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp người bào chữa biết những vấn đề đang được điều tra, làm rõ để kịp thời thu thập các chứng cứ có ý nghĩa và liên quan đến việc chứng minh, làm rõ vụ án, bảo đảm tính công bằng, khách quan và đúng pháp luật.

Các quy định liên quan đến việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan sẽ bảo đảm người bào chữa có điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động bào chữa của mình, đồng thời có ý nghĩa trong việc nắm bắt các thông tin liên quan đến người mà mình bào chữa, kịp thời phát hiện những điểm còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng để tìm hiểu, thu thập các lập luận của mình là có căn cứ, bảo đảm tình thuyết phục và khách quan.

Có thể thấy, pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện chức năng của mình liên quan đến việc thu thập chứng cứ. Việc thu thập chứng cứ của người bào chữa sẽ được diễn ra khách quan, đúng pháp luật và chứng cứ thu thập được có giá trị trong quá trình giải quyết vụ án. Pháp luật đề cao vai trò của người bào chữa trong các vụ án, trong nhiều trường hợp các chứng cứ mà người bào chữa thu thập được có ý nghĩa quan trọng khi chứng minh được việc bị can, bị cáo không có tội, nhận thấy được tình trạng oan sai, vô tội nên sẽ bảo vệ được quyền con người, tránh những hành vi xâm hại xảy ra, và hạn chế được việc giải quyết vụ án hình sự không bảo đảm tính khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660