Hoạt động tố tụng hình sự gồm các giai đoạn: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Mỗi giai đoạn tố tụng hình sự đều quan trọng và góp phần giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Trong các giai đoạn này, có thể nói rằng, giai đoạn xét xử vụ án hình sự là quan trọng nhất, khi tất cả tài liệu, chứng cứ hợp pháp của cơ quan tiến hành tố tụng; lời khai của người tham gia tố tụng và các tài liệu, chứng cứ hợp pháp, lời biện hộ của người bào chữa hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đều được đưa ra xem xét, đánh giá, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa làm căn cứ để Hội đồng xét xử đi đến quyết định bị cáo có phạm tội hay không phạm tội? nếu có thì phạm tội danh gì? Mức nào của khung hình phạt về tội đó?.

Luật sư tham gia vào giai đoạn xét xử dù với tư cách là người bào chữa cho bị cáo hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự (sau đây gọi chung là luật sư) trong vụ án hình sự thì cũng phải sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng (khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), bảo đảm quá trình xét xử vụ án diễn ra đúng quy định, bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.Hoạt động xét xử vụ án hình sự diễn ra tại phiên tòa cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm có đặc trưng sau:

– Tòa án là cơ quan xét xử nhà nước giữ vai trò trung tâm điểu khiển phiên tòa và làm trọng tài cho cuộc tranh tụng giữa luật sư (bên biện hộ) và kiểm sát viên (bên công tố) từ đó xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án;

– Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát thực hiện việc buộc tội đối với bị cáo thông qua bản cáo trạng, luận tội;

– Bị cáo trong giai đoạn này vẫn đang là người bị tình nghi phạm tội. Tuy nhiên, thực tế tại phiên tòa cho thấy, bản thân bị cáo thường trong trạng thái mệt mỏi, chán chường, tâm lý hoang mang, dao động dẫn đến buông xuôi, chấp nhận sự buộc tội của kiểm soát viên và tuyên phạt của tòa án đối với mình;

– Bị hại, đương sự thì thường lo lắng, căng thẳng, mất bình tĩnh do không biết được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình cũng như các quy định của pháp luật có lợi khi tham gia phiên tòa nên thường trong thế bị động khi hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư (người bào chữa) hỏi, tranh luận thì nhiều khi không hiểu nội dung câu hỏi dẫn đến trả lời không đúng, mâu thuẫn hay tự gây bất lợi cho chính mình;

– Luật sư dù với vai trò người bào chữa hay người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thì đều là “chỗ dựa tinh thần” cho thân chủ tại chốn tụng đình, giúp bị cáo hay bị hại, đương sự ổn định tâm lý từ đó bình tĩnh, sáng suốt trình bày và phải “phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng” (quy tắc 3 Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam), thể hiện chủ yếu ở phần tranh tụng thông qua bản luận cứ bào chữa hay bản luận cứ bảo vệ của luật sư, những lập luận, lý lẽ tranh luận “sắc bén” với các bên (nhất là với bên công tố, bên người tham gia tố tụng có quyền lợi đối lập nhau) và các tài liệu, chứng cứ thu thập được có lợi cho khách hàng.

Hãy liên hệ với Luật Công Tâm để được tư vấn chi tiết.
Thông tin liên hệ: Luật Công Tâm
Email : luatsuluatcongtam@gmail.com Website: luatcongtam.com.vn https://www.youtube.com/channel/UCkEnuxL_V_oaCpAde-Eco7A?view_as=subscriber
Hotline : 097.281.0901 – 0387003455

By Tâm

0969545660