Bảo vệ quyền con người, bình đẳng, công bằng trong hoạt động tư pháp là những nguyên tắc quan trọng với bất cứ Quốc gia nào trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền. Để đạt được những mục tiêu đó, ngoài sự phát triển hoàn thiện hệ thống pháp luật còn cần phải kể đến vai trò của các cơ quan tư pháp, tổ chức bổ trợ tư pháp trong đó có Luật sư và các Tổ chức hành nghề Luật sư.

Chúng ta cùng nhìn lại quá trình hình thành, phát triển nghề Luật sư với những mốc son rực rỡ trên những khó khăn, thử thách không nhỏ của lịch sử đấu tranh giữ nước của toàn Đảng, toàn dân ta.

Ngay từ trước năm 1930 trở về trước, khi còn là thuộc địa của thực dân Pháp thì nghề Luật sư đã được hình thành. Tuy còn sự độc chiếm hành nghề Luật sư của người Pháp nhưng đã tạo tiền đề cho sự phát triển đội ngũ Luật sư. Với sắc lệnh ngày 25/5/1930, thực dân Pháp tổ chức Hội đồng Luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn đã cho phép người Việt Nam tham gia. Kể từ đó đã có những Luật sư Việt Nam hành nghề bảo vệ công bằng và lẽ phải trong xã hội, một trong những người tiên phong mà không thể không nhắc tới là Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường(1876-1933).

Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933).

Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 tổ chức đoàn thể Luật sư. Đây được coi là sự ghi nhận đúng tầm quan trọng với những đóng góp cho xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Luật sư.

Cùng với đó là sự ghi nhận về Quyền bào chữa của bị can, bị cáo tại Điều 5 của Sắc lệnh 13/9/1945 và sau đó được coi là nguyên tắc dân chủ quan trọng trong tố tụng đã được thừa nhận và thể hiện trong Điều 67 Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như sau: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn Luật sư”.

Qua nhiều giai đoạn phát triển và hoàn thiện, Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của Luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ luật sư, nghề Luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với nghề Luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Sự tất yếu cần phải có một tổ chức tập hợp đoàn kết đội ngũ Luật sư góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh – ổn định chính trị. Sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (12/5/2009) đã đánh dấu một bước phát triển mới, hội tụ đầy đủ các yếu tố trên. Đồng thời là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư, thực hiện công tác tự quản thống nhất của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư trong phạm vi toàn quốc. Cùng với việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy nhân sự, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện các Quy chế nội bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư đã được triển khai ngay từ khi Liên đoàn mới được thành lập cho đến nay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, với nỗ lực của Liên đoàn Luật sư, đội ngũ Luật sư ngày càng gặt hái được những thành tựu rực rỡ, phải kể đến là những đóng góp quan trọng trong việc làm sáng tỏ một số vụ án oan sai, phối hợp tích cực với cơ quan có thẩm quyền để làm rõ các tình tiết trong vụ án, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ…

Bên cạnh đó, với những góp ý quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp, đã có những Luật sư được nhân dân tin tưởng bầu làm đại diện là các Đại biểu quốc hội như: Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh (ĐBQH khóa XIII); Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ĐBQH khóa XIII); Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH khóa XIII).

Trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của mình, Luật sư đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, Luật sư đưa ra quan điểm, kiến nghị từ đó làm cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét, đúng pháp luật, góp phần rất lớn vào công cuộc bảo vệ công bằng cho xã hội ở nước ta hiện nay.

Từ những đóng góp quan trọng trong cải cách tư pháp, bảo vệ lẽ phải, công lý – công bằng của xã hội, đội ngũ Luật sư đã khẳng định được uy tín, vị thế, vai trò của mình trong mọi đời sống xã hội. Đồng thời, cũng dần dần hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư khi xảy ra các vụ việc liên quan đến pháp luật trong nhân dân.

Đó là những tín hiệu vui mừng nhưng cũng đặt trên vai những người hành nghề Luật sư trách nhiệm nặng nề khi luôn phải nỗ lực trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm Luật sư các nước phát triển. Qua đó, tạo lập niềm tin với Đảng, nhà nước và nhân dân, để xã hội thừa nhận nghề Luật sư là một nghề cao quý, cần được tôn trọng và được tôn vinh trong xã hội.

Theo tạp chí Luật sư Việt Nam: https://lsvn.vn/luat-su-viet-nam-nhung-moc-son-tren-chang-duong-chong-gai.html

By Tâm

0969545660