Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 có hiệu lực đến nay đã gần 4 năm, thế nhưng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của người bào chữa với bị can bị tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở,… Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký người bào chữa, Luật sư đã có văn bản đăng ký gặp bị can bị tạm giam nhưng với nhiều lý do khác nhau đều không được giải quyết. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Luật sư khi đảm nhận bào chữa từ giai đoạn điều tra, ảnh hưởng lớn đến quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự.

Người bào chữa có quyền gặp hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam để thực hiện bào chữa trong tố tụng hình sự. Đây là quy định mới về quyền của người bào chữa so với BLTTHS 2003, là quyền cơ bản được ghi nhận đầu tiên tại điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015. 

Tại Ðiều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT ngày 23/01/2018 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TAND Tối cao – VKSND Tối cao quy định: “Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật; Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan  đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát,…

Ngày 10/10/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/12/2019).

Việc ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BCA thể hiện yêu cầu bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, trên tinh thần cải cách tư pháp. Tại Điều 12, Thông tư 46 đã quy định việc tố chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam như sau:

“Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ Luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh”.

Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 BLTTHS năm 2015 cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và VKS có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của BLTTHS năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ (hiện nay áp dụng Thông tư số 36/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành “Nội quy cơ sở giam giữ”).

Theo các quy định của BLTTHS, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Thông tư liên tịch số 01 ngày 23/01/2018 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TAND Tối cao – VKSND Tối cao quy định khẳng định quyền đương nhiên và chủ động của Luật sư trong việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định tại Ðiều 74 BLTTHS 2015. 

Việc người bào chữa gặp bị can bị tạm giam trong giai đoạn điều tra là độc lập, không buộc phải có mặt điều tra viên hoặc phải được sự chấp thuận trước của cơ quan điều tra. Quy định mới về quyền này tuy rất ngắn, chỉ vài chữ “Gặp, hỏi người bị buộc tội” nhưng đó là bước đột phá trong quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, tôn trọng sự thật khách quan và bảo vệ các quyền,lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân trong các vụ án hình sự.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660