Mỗi người đều có những quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe, … họ được phép tự mình bảo vệ chống lại sự tấn công của người khác, đôi khi hành động bảo vệ đó có thể là trái pháp luật, nhưng những hành vi đó được pháp Luật hình sự thừa nhận và được loại trừ tính chất nguy hiểm. Một trong những hành vi loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội phổ biến hiện nay được pháp luật thừa nhận và không xem là tội phạm đó là phòng vệ chính đáng.

  1. Phòng vệ chính đáng là gì?

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

2. Điều kiện của phòng vệ chính đáng.

Điều kiện của phòng vệ chính đáng bao gồm cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ và nội dung, phạm vi quyền phòng vệ

a) Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng: là hành vi tấn công đang xảy ra xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức hoặc công dân

Hành vi tấn công đang xảy ra, nghĩa là nó bắt đầu mà chưa kết thúc. Nếu hành vi tấn công chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc thì không có cơ sở để phòng vệ. Nếu người phòng bệ thực hiện hành vi phòng vệ bằng cách gây thiệt hại cho người khác khi hành vi tấn công của người đó chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì gọi là trường hợp phòng vệ quá sớm hoặc quá muộn. Trong những trường hợp này vấn đề trách nhiệm hình sự của người phòng vệ được giải quyết như những trường hợp bình thường khác.

Tuy nhiên cần lưu ý các trường hợp sau đây:

  • Nếu hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng đã có những biểu hiện đe dọa sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc thì cũng được quyền phòng vệ.

Ví dụ: Một người đang giương súng lên để bắn người khác thì người thứ ba có quyền tấn công người đó

  • Nếu hành vi tấn công đã chấm dứt và hành vi phòng vệ đi liền ngay sau hành vi tấn công nhưng có khả năng khắc phục được thiệt hại do hành vi tấn công gây ra thì cũng được coi là có cơ sở quyền phòng vệ

Ví dụ: Tên cướp sau khi chiếm đoạt được tài sản, đang bỏ chạy thì bị người khác tấn công bị thương.

  • Hành vi tấn công là hành vi trái pháp luật, có tính nguy hiểm cho xã hội, hành vi có thể đã cấu thành tội phạm hoặc không.
  • Hành vi tấn công thường được thực hiện dưới dạng hành động

b) Nội dung và phạm vi quyền phòng vệ:

Nội dung quyền phòng vệ: Là hành vi chống trả lại người đang có hành vi tấn công ngày cả khi có biện pháp khác tránh được sự tấn công. Sự chống trả phải nhằm ngày vào người có hành vi tấn công mới đạt được mục đích của phòng vệ là ngăn chặn một cách tích cực sự tấn công, hạn chế thiệt hại do sự tấn công có thể gây ra. Sự chống trả của người phòng vệ có thể nhằm vào người đang có hành vi tấn công (tính mạng, sức khỏe) hoặc có thể chỉ nhằm vào công cụ, phương tiện mà người tấn công đang sử dụng

Phạm vi quyền phòng vệ là người phòng vệ chống trả người có hành vi tấn công một cách “cần thiết” phù hợp vưới tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Để đánh giá hành vi phòng vệ là “cần thiết” và phù hợp này cần dựa vào nhưng căn cứ sau:

  • Tính chất của quan hệ xã hội đe dọa bị xâm phạm
  • Mức độ thiết hại bị đe dọa gây ra
  • Sức mãnh liệt của hành vi tấn công
  • Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp hay phương tiện mà người tấn công sử dụng
  • Sức mạnh và khả năng của người phòng vệ đặt ra trong hoàn cảnh cụ thể…

3. Thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là một tình tiết giảm nhẹ vì:

  • Động cơ của người phòng vệ là muốn bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tập thể, của bản thân mình hay của người khác
  • Trong khi phòng vệ người phòng vệ không có điều kiện bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp bị tấn công bất ngờ. Hơn nữa, người phòng vệ bị đẩy vào tình trạng này là do lỗi của chính nạn nhân.

By Tâm

2 thoughts on “Hiểu về phòng vệ chính đáng”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660