1. Khái niệm

Án tích là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt được ghi và lưu lại trong lý lịch tư pháp trong thời gian luật định.

Đây là đặc điểm xấu về nhân thân của người bị kết án. Tuy nhiên, án tích không phải là đặc điểm về nhân thân có tính vĩnh viễn. Sau một thời gian và kèm theo điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật, án tích sẽ được xóa. Khi đó người đã có án tích được coi như chưa bị kết án.

Trong trường hợp người đã từng phạm tội, chưa được xóa án tích nhưng lại phạm tội mới thì khi quyết định hình phạt,  việc chưa xóa án tích có thể bị Tòa án coi là một trong những tình tiết tăng nặng tội phạm. Ngoài ra, trong một số trường hợp, án tích về tội này hay tội khác sẽ dẫn đến việc hạn chế người mang án quyền lựa chọn nơi cư trú; còn án tích về tội vụ lợi có thể sẽ là một trở ngại đối với việc được nhận vào làm những việc có liên quan đến trách nhiệm vật chất.

  • Trường hợp không bị coi là có án tích

Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 (sau đây gọi là BLHS):

Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”

Trong đó, đối chiếu Điều 11, khoản 1 và khoản 2 Điều 9 của BLHS thì:

Phạm tội do lỗi vô ý là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình là nguy hại cho xã hội hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội có tính chất và mức độ nguy hiểm không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt  quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm

Tội phạm nghiêm trọng là tội có tính chất và mức độ nguy hiểm lớn mà mức cao nhất của khung hình quy định đối với tội ấy là từ trên 03 – 07 năm tù

  • Điều kiện xóa án tích.

Một là, điều kiện đương nhiên xóa án tích:

Căn cứ Điều 70 BLHS, điều kiện đương nhiên xóa án tích bao gồm:

Người phạm tội không bị bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh Quốc gia (chương XIII Bộ luật Hình sự) hoặc các tội phá hoại hòa bình, chống loại người và tội phạm chiến tranh (chương XXVI)

Đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án

Đáp ứng điều kiện tại khoản 2,3 Điều 70:

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.”

Hai là, xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Căn cứ quy định tại Điều 71, điều kiện xóa án tích theo quyết định của Tòa án như sau:

Người bị kết án về một về một trong các tội xâm phạm an ninh Quốc gia quy định chương XIII Bộ luật Hình sự hoặc một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loại người và tội phạm chiến tranh quy định tại chương XXVI.

Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 71 như sau:

“2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.”

Ba là, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Tại Điều 73 Bộ luật Hình sự quy định, Tòa án quyết định việc xóa án tích khi:

Người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị xóa án tích;

Người có án tích đã bảo đảm được ít nhất 1/3 thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của BLHS

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660