Luật sư bào chữa trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, Luật sư tác động đến các cơ quan nhà nước để các cơ quan đó thực hiện đúng pháp luật, tránh chủ quan, duy ý chí, tránh oan sai. Ngoài ra, Luật sư còn có vai trò quan trọng trong định hướng dư luận, xây dựng văn bản pháp luật và hoạch định các chính sách thông qua việc đóng góp ý kiến. Bào chữa là một trong những chức năng quan trọng của Luật sư, góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

Người bào chữa làm gì?

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Quyền bào chữa chỉ dành cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chứ không dành cho những đối tượng tham gia Tố tụng hình sự khác và quyền này chỉ giới hạn trong việc bác bỏ một phần hay toàn bộ lời buộc tội của các Cơ quan tiến hành tố tụng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Đối với việc bảo vệ các quyền và lợi ích khác của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không trực tiếp liên quan đến việc bác bỏ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm của họ trong vụ án thì không thuộc về giới hạn của quyền bào chữa. Tuy nhiên, khi đã bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án thì người bào chữa cũng đồng thời giúp bị can, bị cáo trong việc bảo vệ các quyền đó của họ.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã mở rộng cũng như ghi nhận nhiều điểm tiến bộ hơn đối với Quyền bào chữa của bị can, bị cáo như: thời điểm được tham gia bào chữa của người bào chữa vào hoạt động tố tụng sớm hơn, bảo đảm quyền bào chữa ngay từ khi bị giữ, bị bắt; ngoài bị can, bị cáo thì quyền bào chữa còn thuộc về người bị giữ, bị bắt; ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; mở rộng khái niệm người bào chữa,…
Xem thêm:
– Người được miễn trách nhiệm hình sự
– Đừng ngồi tù oan dù chỉ một

Theo sự phát triển của xã hội cũng như nhận thức của người dân và sự phát triển của nghề nghiệp Luật sư thì vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự ngày càng được coi trọng và ghi nhận hơn, đã có nhiều vụ án có sự tham gia của luật sư bào chữa. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời đã có nhiều điểm tiến bộ, khẳng định rõ vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng.

Có thể thấy, Người bào chữa có mặt trong hầu hết các hoạt động tố tụng quan trọng của một vụ án hình sự, từ giai đoạn điều tra xác minh tin báo tố giác tội phạm đến các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Luật sư khi tham gia bào chữa trong một vụ án với vai trò đại diện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa, quyền gỡ tội, thay mặt cho bị can, bị cáo đưa ra những lý lẽ, lập luận, chứng cứ hợp pháp chứng minh những yếu tố gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của họ. Trong mỗi giai đoạn khác nhau của vụ án, người bào chữa sẽ phát huy vai trò riêng biệt.

Phản biện như thế nào trong từng giai đoạn tố tụng?

Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Ngay từ giai đoạn cơ quan công an giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, người bị tố giác đã có quyền có người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Luật sư, người đại diện của người bị tố giác được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; kiểm tra, đánh giá, trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, Luật sư, người đại diện của người bị tố giác được có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác.

Nếu được điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý thì họ được gặp, hỏi người bị tố giác, người bị giữ. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì Luật sư, người đại diện… của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác. Họ còn có quyền có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người bị tố giác; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Ở giai đoạn này, Luật sư được sử dụng những biện pháp mà mà pháp luật quy định để hướng dẫn thân chủ về thủ tục pháp lý và trình tự tố tụng. Qua đó, giúp ổn định tinh thần của người bị tố giác, bị yêu cầu khởi tố, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ cũng như góp phần giúp cơ quan điều tra trong quá trình xác minh để tìm ra sự thật khách quan.

Trong giai đoạn điều tra luật sư có thể có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, được gặp bị can, bị cáo, thu thập và xuất trình tài liệu, đồ vật, nghiên cứu hồ sơ vụ án; ghi nhận quyền bình đẳng của Luật sư với những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa một cách cụ thể hơn so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Phản biện bên buộc tội thân chủ như thế nào?

Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định khá đầy đủ, chi tiết về quyền của người bào chữa. 

Trong tố tụng xét hỏi, ở giai đoạn điều tra thì việc thu thập chứng cứ buộc tội và gỡ tội đều do cơ quan điều tra thu thập là chủ yếu. Hoạt động điều tra diễn ra không có sự kiểm soát của tòa án. Trong quá trình điều tra, nếu bị can, bị cáo bị tạm giam, tạm giữ thì việc hỏi cung, lấy lời khai chỉ có bị can với điều tra viên, ít khi có mặt của kiểm sát viên, Luật sư bào chữa.

Đặc biệt là khi bị can mới bị bắt, bị tạm giữ thì việc kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra ở một số nơi còn sơ hở, lỏng lẻo, dễ đến dẫn đến hành vi bức cung, dùng nhục hình, tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trường hợp kiểm sát viên thực hiện hoạt động kiểm sát điều tra không thực hiện hết trách nhiệm của mình hoặc cấu kết với cán bộ điều tra thì những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp rất dễ xảy ra, khi đó bị can, bị cáo không có cơ hội được bảo vệ…

Do đó, nếu Luật sư có mặt ngay từ giai đoạn điều tra thì sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực, bức cung, nhục hình, mớm cung,… xảy ra. Luật sư ngoài tính chất trợ giúp, hướng dẫn cho thân chủ của mình còn có khả năng theo dõi, giám sát trình tự tố tụng. Qua đó, bên cạnh việc giúp thân chủ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp còn giúp Cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện ra những sai phạm, tiêu cực để kịp thời xử lý, hoàn thiện bộ máy tố tụng.

Sau khi có cáo trạng của Viện kiểm sát và chuyển sang giai đoạn truy tố, trường hợp không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ cáo trạng và có các căn cứ để cho rằng vụ án chưa được làm rõ. Luật sư có quyền kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng như đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập bổ sung, đánh giá, xem xét lại các chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.

Trong giai đoạn xét xử vụ án, Luật sư sẽ tiến hành phân tích, giải thích những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà Luật sư cho rằng có ý nghĩa trong việc tìm ra sự thật khách quan hoặc gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Luật sư được tham gia quá trình xét hỏi, tranh tụng, đưa ra những lập luận, lý lẽ dựa trên những chứng cứ thu thập được cũng như trên cơ sở quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thẩm quyền và vị thế của Luật sư tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao, Luật sư có quyền bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng khác: “Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án.

Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án”, đây là điểm mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong các phiên Tòa có Luật sư, vụ án sẽ được nhìn nhận dưới góc độ đa chiều, khách quan và mang tính chất phản biện nhiều hơn, tránh cái nhìn phiến diện một chiều của cơ quan tố tụng.

Đây là yếu tố quan trọng giúp Hội đồng xét xử đưa ra những phán quyết đúng đắn, công tâm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tránh tình trạng oan sai và tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án. 

Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660