Trong nhà nước pháp quyền thì các nguyên tắc về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bình đẳng, công bằng trong hoạt động tư pháp cần được tôn trọng hơn bao giờ hết. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động tư pháp, Nhà nước ta đã từng bước thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Quan điểm mang tính định hướng là cải cách tư pháp phải nằm trong chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Tổ chức Luật sư không thể thiếu được trong Nhà nước pháp quyền bởi vì hoạt động của Luật sư không chỉ hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động tư pháp mà còn góp phần bảo đảm cho các quyền của công dân được thực hiện trong thực tế. Người hành nghề Luật sư phải là người có năng lực và độc lập trong hành nghề, họ cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cá nhân, tổ chức và chịu trách nhiệm về các dịch vụ này.

Từ góc độ nhà nước, hoạt động Luật sư không nằm trong hoạt động quyền lực nhà nước, không phải là hoạt động tư pháp nhưng nó có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động tư pháp, có liên quan đến hoạt động thực thi quyền tư pháp. Hoạt động Luật sư gắn liền với mục đích hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động xét xử của tòa án, góp phần làm cho việc xét xử khách quan, chính xác và đúng pháp luật.

Xét từ góc độ xã hội, hoạt động Luật sư là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua việc tư vấn pháp luật, bào chữa, đại diện trước tòa án, xác lập và cung cấp các chứng cứ nhằm giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, khách quan.

Như vậy, hoạt động Luật sư vừa có chức năng bổ trợ tư pháp, hỗ trợ cho việc thực thi quyền tư pháp, lại vừa có chức năng giúp đỡ, hỗ trợ cho công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hai chức năng này của Luật sư không những không đối lập nhau mà còn có quan hệ khăng khít với nhau và rất cần thiết cho việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660