Một trong những công cụ quan trọng giúp người dân thực hiện công bằng trong quá trình tố tụng tư pháp là thông qua sự giúp đỡ pháp lý của Luật sư. Vai trò của Luật sư không chỉ trong tố tụng tư pháp mà trong công việc tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ về mặt pháp luật cho công dân thực hiện đầy đủ quyền của mình trong mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời giáo dục họ ý thức tuân thủ pháp luật. Với ý nghĩa như vậy, Luật sư thực sự là những người đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở Việt Nam.

Vai trò của Luật sư trong việc bào chữa cho người bị buộc tội, bảo vệ quyền lợi của các đương sự trước tòa án không phải lúc nào và ở nơi nào cũng được thừa nhận. Trong thực tế xã hội vẫn còn có tư tưởng hạ thấp vai trò của Luật sư và cho rằng Luật sư sẽ gây khó khăn cho việc chống tội phạm, giúp cho kẻ phạm tội trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn trong việc phát hiện tội phạm, bảo đảm bí mật điều tra, bảo quản chứng cứ… Ngược lại, có tư tưởng cho rằng tội phạm đã rõ ràng thì Luật sư không thể bào chữa cho kẻ phạm tội hoặc Luật sư là “người giúp việc” cho cơ quan tiến hành tố tụng. Quan niệm như vậy đối với Luật sư là trái với quy định của pháp luật và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta.

Sự tham gia của Luật sư trong vụ án hình sự không chỉ mở rộng những nguyên tắc dân chủ của tố tụng hình sự mà còn nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử và tăng cường pháp chế trong tố tụng hình sự. Việc bào chữa kiên định, dũng cảm trong vụ án hình sự không những không cản trở mà còn thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tội phạm, giúp khắc phục những sai sót trong việc xử lý vụ án. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác bằng những phương tiện hợp pháp – Luật sư thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền công dân, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Luật sư trong tố tụng nói riêng và trong xã hội nói chung.

Ảnh minh họa

Bên cạnh hoạt động tranh tụng, Luật sư còn nhận làm tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức bằng hình thức ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Luật sư thực hiện tư vấn trong nhiều lĩnh vực pháp luật, soạn thảo các văn bản như di chúc, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng kinh tế, hợp đồng mua bán bất động sản, soạn thảo giấy tờ pháp lý của công ty… Lĩnh vực hoạt động soạn thảo văn bản có liên quan đến pháp luật là một lĩnh vực hoạt động quan trọng trong hoạt động tư vấn pháp luật của Luật sư. Luật sư còn hướng dẫn khách hàng về những vấn đề có liên quan đến pháp luật, quyền của họ được pháp luật quy định và cách xử sự theo đúng pháp luật. Việc tư vấn pháp luật cho khách hàng của Luật sư góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những tranh chấp xảy ra trong đời sống xã hội, ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt phiền hà cho cơ quan nhà nước khi người dân thiếu hiểu biết pháp luật đi khiếu nại không đúng cơ quan có thẩm quyền.

Là người hiểu biết pháp luật, thông qua việc hành nghề, Luật sư phải trau dồi kiến thức và sử dụng kiến thức đó để tăng cường giáo dục và phát triển hệ thống pháp luật.

Luật sư đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân và phát triển xã hội. Luật sư với tư cách là người có kiến thức sâu rộng về pháp luật, có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tham gia tích cực trong việc bảo vệ pháp quyền, cần phải khẳng định mình hơn nữa trong công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660