1. Các đặc điểm phản ánh sự tương đồng.

Ở Việt Nam hiện nay, tội mua bán người được quy định thành một tội phạm cụ thể và ngày càng hoàn thiện, và có những nét tương đồng, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về tội buôn bán người.

Theo quy định của Bộ luật hình sự nước ta, thì ở Việt Nam có hai tội phạm mua bán người là Tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151). Theo đó, mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi dưới đây: “ a) chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”.

Như vậy, quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi ít nhiều đã có sự tương đồng với quy định của công ước quốc tế về tội buôn bán người. Sự tương đồng thể hiện ở những điểm sau:

Pháp luật nước ta không những quy định là tội phạm hình sự đối với hành vi mua bán người nhỏ lẻ mà còn quy định là tội phạm hình sự đối với hành vi mua bán người có tính chất tổ chức, nhiều lần như quy định của Công ước quốc tế.

Bên cạnh đó, tuy không quy định trong Bộ luật hình sự nhưng văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đã hướng dẫn về các thủ đoạn phạm tội mua bán người như môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép, đưa người đi lao động nước ngoài trái phép, môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật; mục đích để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài, để sử dụng vào mục đích mại dâm hoặc mục đích vô nhân đạo được quy định là các tình tiết định khung hình phạt.

Về đối tượng bị buôn bán thì theo quy định của Nghị định thư về chống buôn bán người và luật hình sự Việt Nam đều quy định đối tượng bao gồm cả nam giới , phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, Điều 150 BLHS đã đưa được tinh thần của Điều 3 của Nghị định thư  vào quy định về cấu thành cơ bản của tôi mua bán người một cách cụ thể hơn, mở rộng hơn. Cụ thể là, Điều 150 BLHS đã quy định thêm về hành vi của tội mua bán người. Ngoài hành vi khách quan “mua bán”, hiện nay tội mua bán người còn có quy định thêm về những hành vi khác như : chuyển giao, vận chuyển, tuyển mộ, chứa chấp người phạm tội,…

Như vậy, có thể thấy luật hình sự Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung quy định về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi phù hợp với Nghị định thư về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ban hành kèm theo Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia); sửa đổi, quy định rõ các dấu hiệu pháp lý về hành vi, thủ đoạn và mục đích của tội phạm.

2. Các đặc điểm phản ánh sự khác biệt.

Đi song song với những nét tương đồng giữa luật hình sự Việt Nam với pháp luật quốc tế về tội buôn bán người thì vẫn còn những đặc điểm phản ánh sự khác biệt nhất định.

Đầu tiên về ngôn ngữ thì nếu ở pháp luật quốc tế sử dụng thuật ngữ “buôn bán người” thì pháp luật Việt Nam lại sử dụng một thuật ngữ khác: “mua bán người”. Tuy nhiên, thuật ngữ “mua bán người” có nghĩa rộng hơn thuật ngữ “buôn bán người”. Bởi lẽ, mua bán người là hành vi mua hoặc bán người một hoặc nhiều lần. Đó  có thể là hành vi mua bán người đơn lẻ hoặc mua bán người có tính chất chuyên nghiệp là “buôn bán người”. Như vậy, về mặt ngôn ngữ, quan điểm của Việt Nam vẫn phù hợp hơn đối với loại tội phạm này.

Thứ hai là về mục đích bóc lột của tội phạm này. Theo định nghĩa của tội phạm này ở Điều 3 Nghị định thư Palermo có quy định “Buôn bán người ” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng  việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể”.

Như vậy, có thể thấy mục đích mua bán người theo quy định của Bộ luật hình sự nước ta vẫn chưa bao hàm hết được như pháp luật quốc tế. Cụ thể, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động. Còn các mục đích khác như: cung cấp dịch vụ, bao gồm lao động để trả nợ hoặc gán nợ; lao động nô lệ hoặc các hình thức tương tự; phục dịch như nô lệ, bao gồm nô lệ tình dục; lấy tạng; sử dụng cho hoạt động trái pháp luật hoặc phạm tội; cưỡng bức hôn nhân hoặc biến thành nô lệ thông qua hôn nhân; cưỡng bức hoặc cưỡng ép đi ăn xin; bắt tham gia vào xung đột vũ trang v.v… thì chưa được quy định.

Thứ ba, nếu luật hình sự Việt Nam có sự tách bạch, phân biệt thành hai điều luật đối với tội mua bán người và mua bán trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì ở pháp luật quốc tế không có sự phân biệt đối với người và trẻ em mà chỉ quy định thêm về độ tuổi: “c) Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nói đến trong khoản (a) điều này; d) “Trẻ em” có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.”. Đồng thời, pháp luật quốc tế không đưa ra giải pháp xử lý riêng đối với tội phạm buôn bán trẻ em trong khi đó luật hình sự Việt Nam có quy định rất chặt chẽ về hành vi mua bán trẻ em. Cụ thể tội phạm mua bán trẻ em (người dưới 16 tuổi) sẽ bị xử lý nặng hơn (7 – 12 năm) so với tội phạm mua bán người (5 – 10 năm).

Ngoài ra, định nghĩa “trẻ em” của luật hình sự Việt Nam có sự khác biệt so với pháp luật quốc tế khi mà luật hình sự Việt Nam coi trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi đó theo Nghị định thư thì trẻ em là người dưới 18 tuổi.

Cuối cùng, về tội phạm buôn bán người trong Nghị định thư và Công ước quốc tế có yêu cầu về vấn đề nội luật hóa, phối hợp với các quốc gia trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, và về vấn đề tái hòa nhập cho nạn nhân. Tuy nhiên, luật hình sự Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung nhiều vào vấn đề nội luật hóa Công ước quốc tế. Trong khi đó các quy định về vấn đề phối hợp giữa các quốc gia, tái hòa nhập cho nạn nhân còn hời hợt, chưa được chú trọng.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660