1. Quyền khiếu nại.

Quyền khiếu nại là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật Việt Nam công nhận, bảo đảm, thực hiện những hành vi để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình khi bị các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền xâm phạm trái pháp luật.

Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền khiếu nại tại Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

2. Quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Khiếu nại về đất đai là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại các QĐHC hoặc HVHC trong quản lý đất đai khi có căn cứ cho rằng các quyết định hành vi đó là xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình.

Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 có quy định: “Người sử dụng đất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện QĐHC, HVHC về quản lý đất đai”

Tuy nhiên, pháp luật không quy định riêng khiếu nại trong lĩnh vực đất đai mà được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại hành chính.

Khi đề cập đến quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai cần xem xét ba yếu tố sau:

Thứ nhất, xuất phát từ bản chất quyền khiếu nại là quyền tự vệ: Quyền khiếu nại chỉ phát sinh khi chủ thể khiếu nại cho rằng cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành QĐHC hoặc thực hiện HVHC trong lĩnh vực đất đai liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ thể khiếu nại.

Thứ hai, đối tượng của quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai: Quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai là một bộ phận của quyền khiếu nại hành chính. Do đó, đối tượng khiếu nại là các QĐHC, HVHC trong quản lý nhà nước về đất đai của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ ba, về chủ thể có quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai: Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền khiếu nại cho tất cả mọi người, bao gồm: công dân Việt Nam và người nước ngoài. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 3 Luật Khiếu nại 2011 có quy định: “Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và việc giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Luật Đất đai 2013 có quy định: “Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất” có quyền khiếu nại

3. Quy định của pháp luật về quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 có quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Theo đó, vấn đề quyền của chủ thể khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chỉ có thể bị hạn chế trong các trường hợp thật cần thiết và phải được thể hiện trong văn bản luật, tức là.

Khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại 2011 quy định người khiếu nại có những quyền sau:

Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại; được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước; được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại; đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó; nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính; rút khiếu nại.

4. Thời hạn, thời hiệu khiếu nại đất đai.

Về thời hạn khiếu nại đất đai:

Căn cứ Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 thì thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định/hành vi hành chính. Ngoại lệ, vẫn có 1 số trường hợp được thực hiện khiếu nại dù đã quá 90 ngày nếu người khiếu nại rơi vào các hoàn cảnh đặc biệt như ốm đau, thiên tai, chiến tranh, đi học tập và công tác ở nơi xa…

Về thời hiệu khiếu nại đất đai:

Đối với trường hợp khiếu nại lần đầu: Không quá 30 ngày. Tăng thêm 15 ngày đối với khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa hoặc với những vụ việc khiếu nại phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian xem xét và giải quyết.

Đối với trường hợp khiếu nại lần 2: Không quá 45 ngày. Tăng thêm 15 ngày đối với khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa hoặc với những vụ việc khiếu nại phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian xem xét và giải quyết.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660