1. Khái niệm.

Theo quy định tại Điều 15 BLHS 2015 thì: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”

Như vậy, có ba dấu hiệu để xác định phạm tội chưa đạt:

Thứ nhất, người phạm tội đã thực hiện tội phạm: đây là dấu hiệu để phân biệt phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.

Thứ hai, nguời phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng. Đây là dấu hiệu để phân biệt phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trường hợp hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm có thể xảy ra theo các dạng sau:

Chủ thể chưa thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà mới chỉ thực hiện hành vi đi liền trước hành vi trước đó.

Chủ thể đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa thực hiện hết.

Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong cấu thành tội phạm (chỉ xảy ra ở tội phạm vật chất).

Thứ ba, người phạm tội không thực hiện được đến cùng hành vi phạm tội của mình là do nguyên nhân ngoài ý muốn của họ.

2. Phân loại phạm tội chưa đạt.

Phạm tội chưa đạt được chia làm 2 dạng:

Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành: Người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan mà chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm, do đó, hậu quả của tội phạm đã không xảy ra.

Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: Người phạm tội đã thực hiện được hết những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng hậu quả đã không xảy ra do nguyên nhân ngoài ý muốn.

Cần phân biệt phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Trong đó, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp người phạm tội tự kiềm chế bản thân, không thực hiện đến cùng hành vi phạm tội mặc dù biết có khả năng thực hiện tội phạm đó đến cùng và không có gì ngăn cản.

3. Hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Khoản 1, 3 Điều 57 BLHS 2015 có quy định về hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:

1. Đối với hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

….

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”

4. Trường hợp người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 102 BLHS 2015, mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt là không quá 1/3 mức hình phạt cao nhất. Trong đó:

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định (theo khoản 1 Điều 100).

Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định (theo khoản 2 Điều 101).

5. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt.

Cũng tại khoản 3 Điều 102 BLHS 2015 có quy định về mức phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt như sau:

Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660