1. Các quyền tự do dân chủ của công dân.

Căn cứ Điều 24 và 25 Luật Hiến pháp 2013 có quy định về quyền tự do dân chủ của công dân bao gồm:

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Được nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình. Ngoài ra còn các quyền tự do dân chủ khác như: Quyền được bầu cử, quyền được ứng cử, quyền khiếu nại, tố cáo,…

Tuy nhiên, các quyền này phải được thực hiện trong một khuôn khổ mà pháp luật quy định. Cụ thể đối với hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập Hội… để xâm phạm đến các lợi ích (về kinh tế, chính trị…) của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

2. Mức phạt Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Căn cứ Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sau đây gọi chung là BLHS) có quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Như vậy, bất cứ hành vi nào có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Mức hình phạt cao nhất của tội này có thể lên tới 7 năm tù.

3. Cấu thành tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Về khách thể: Tội phạm này xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.

Về mặt khách quan

Người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tội giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số mọi công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác. Tuy nhiên, cũng có người vì động cơ cá nhân hay những động cơ khác đã “lợi dụng” các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác. Có thể người phạm tội viết báo để đả kích cơ quan Nhà nước, tung tin không có thật gây hoang mang trong nhân dân, khiếu nại, tố cáo,…gây mất uy tín cho cán bộ công chức,…

Điều luật không quy định “xâm phạm” là như thế nào và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm. Việc đánh giá trong những trường hợp cụ thể sẽ là cần thiết. – Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi trên và xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Cần phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong quá trình triển khai áp dụng, từ đó tránh ngăn chặn sự tuỳ tiện từ phía các cơ quan chức năng, xâm hại đến quyền tự do dân chủ của cá nhân.  Bởi cấu thành của tội này rất định tính, các quyền tự do dân chủ của cá nhân có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chủ trương tăng cường dân chủ và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước.

Về mặt chủ quan: Là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp).  Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì thế, nếu hành vi này kèm theo mục đích “chống chính quyền nhân dân” thì phải bị truy cứu về tội phạm tương ứng.

Về chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

* Lưu ý: tội phạm này cần phân biệt với tội vu khống. Ở tội vu khống, người phạm tội nhận thức được tin mà mình loan truyền là bịa đặt, không có thật và nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của đối tượng cụ thể. Trong tội phạm này, người phạm tội không biết tin mình loan truyền là sai sự thật (có thể sai sự thật nhưng người phạm tội không biết), những thông tin không được công khai, thuộc bí mật Nhà nước, tuy nhiên người phạm tội đã loan truyền ra ngoài.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660