Về tranh chấp kinh doanh thương mại, tính đến thời điểm hiện tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có điều luật nào quy định cụ thể về khái niệm tranh chấp kinh doanh thương mại. Nhìn chung, các quan điểm thống nhất rằng Tranh chấp kinh doanh thương mại là sự bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.

Tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc tranh chấp dân sự được giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Tại Điều 30, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định nhóm 05 tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cụ thể:

(i) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận như: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện địa lý…

(ii) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

(iii) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

(iv) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

(v) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Về thời hiệu khởi kiện, đây là một trong những điều kiện quan trọng cần quan tâm khi khởi kiện vụ án dân sự nói chung và vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại nói riêng.

Thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm khi có sự bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.

Xem thêm: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Về trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại. Trong một số trường hợp quy định tại Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015, sẽ có một khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đó là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân và Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Đối với tranh chấp kinh doanh thương mại, thông thường đó là khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu.

Đây là những yếu tố khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của chủ thể có quyền khởi kiện, gây khó khăn và có thể khiến chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện được trong thời gian quy định, do đó, để đảm bảo quyền lợi của chủ thể có quyền khởi kiện, khoảng thời gian mà các sự kiện này diễn ra sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

Về các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại theo Điều 157, Bộ luật Dân sự 2015 cần lưu ý các trường hợp sau: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau.

Hotline: 097.281.0901 – 038.700.3455
Youtube: Luật Công Tâm Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660