Khiếu nại về đất đai là một trong những quyền của người sử dụng đất và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất. Nhiều khách hàng thắc mắc vậy ai là người có quyền khiếu nại? Và khiếu nại khi nào? Sẽ được giải quyết bởi ai và trình tự ra sao? 

Khiếu nại về đất đai là gì?

Khiếu nại về đất đai là việc Người sử dụng đất, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất, thực hiện quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của Cơ quan Nhà nước, Cán bộ công chức có thẩm quyền trong quá trình quản lý về đất đai khi họ cho rằng, quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Có thể nói rằng, khiếu nại xuất hiện gần như trong mọi lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước. Chẳng hạn một Người bị xử phạt hành chính do hành vi gây rối trật tự công cộng, kinh doanh quán ăn không niêm yết giá, lấn chiếm lòng lề đường…. đều có quyền khiếu nại.

Và thực tế có rất nhiều Người đã thực hiện quyền khiếu nại của mình, trong đó có trường hợp khiếu nại không thành, nhưng cũng có nhiều trường hợp khiếu nại thành công, dẫn đến việc Cơ quan hoặc Người có thẩm quyền đã thu hồi quyết định hành chính bị khiếu nại …..

Chủ thể có thẩm quyền khiếu nại về đất đai là gì?

Luật đất đai hiện hành quy định có hai nhóm Chủ thể được quyền khiếu nại về đất đai, theo phạm vi mở rộng so với các quy định trước đây, bao gồm: Người sử dụng đất và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất. Cụ thể:

Chủ thể là Người sử dụng đất

Căn cứ quy định tại Điều 204 Luật đất đai năm 2013, Người có quyền khiếu nại về đất đai trước hết và cũng chủ yếu nhất, đó là Người sử dụng đất, bao gồm:

– Tổ chức, Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước.

– Cơ sở Tôn giáo như Nhà thờ, Chùa….

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Cần lưu ý rằng: Người sử dụng đất có quyền khiếu nại, không nhất thiết là đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có quyền khiếu nại. Ví dụ: Trường hợp sử dụng đất, do mua đất bằng giấy tay, hoặc do Cha ông để lại, mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn có quyền khiếu nại.

Chủ thể là Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất

Đây là nhóm Chủ thể không phải là Người sử dụng đất (Không phải chính chủ) như đã nêu ở mục trên, họ chỉ là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất, vì thế, vẫn bị chịu tác động của các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai, nên họ cũng được quyền khiếu nại. Họ có thể là người thuê đất của người khác, cũng có thể là người có tài sản trên đất…..

Chủ thể bị khiếu nại về đất đai là gì?

Chủ thể bị khiếu nại là chủ thể đặc biệt, tức là Chủ thể mang trong mình quyền lực Nhà nước: Bao gồm Cơ quan có thẩm quyền hoặc Người có thẩm quyền đã ra quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính là đối tượng đã bị khiếu nại nêu trên.

Việc xác định Người bị khiếu nại rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc xác định Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thủ tục, ngoài ra còn là xác định Người đã ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính có đúng thẩm quyền về nội dung không. Ví dụ, thẩm quyền thu hồi đất của cá nhân thuộc về Ủy ban cấp huyện, theo đó nếu Ủy ban cấp xã mà ra quyết định thu hồi đất là trái thẩm quyền.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 204 Luật đất đai 2013 và Điều 7 Luật khiếu nại 2011: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai được phân cấp thành thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Điều đó cũng có nghĩa rằng: Về nguyên tắc, Bạn có quyền khiếu nại hai cấp, ngoại trừ, những khiếu nại, mà thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này, Bạn chỉ có thể khởi kiện vụ án hành chính, mà không thể khiếu nại lần hai lên cấp cao hơn.

Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại, là điều quan trọng bậc nhất, nhưng thường không được xem trọng. Thời hiệu khiếu nại, là khoảng thời gian, pháp luật cho phép Bạn được thực hiện quyền khiếu nại của mình, mà khi thời hạn này hết đi, Bạn mất quyền khiếu nại. Hiểu nôm na, lúc đó Bạn đúng hay sai không còn quan trọng, vì thời hạn khiếu nại đã hết, nên Bạn không được khiếu nại nữa.

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Hotline: 097.281.0901 – 038.700.3455
Youtube: Luật Công Tâm Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660