Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để khai báo về những sự việc cần xác minh trong vụ án. Lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để xác định sự thật của vụ án hình sự.

Việc xác định xuất xứ thông tin, lý do vì sao người làm chứng biết được tình tiết đó là một điều cần thiết. Người làm chứng có thể trực tiếp chứng kiến vụ án, trực tiếp biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án mà không thông qua một khâu trung gian nào hoặc họ có thể được nghe người khác kể lại.

Thông qua việc xác định nguồn gốc của những lời khai này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đề ra được biện pháp thu thập thêm chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách hợp lý. Thông thường, lời khai của người làm chứng có tính trung thực, khách quan cao, có ý nghĩa lớn trong việc xác định sự thật của vụ án.

Tuy nhiên, nếu tất cả những tình tiết do người làm chứng trình bày đều được dùng làm chứng cứ mà không cần xem xét đến việc người làm chứng biết được những tình tiết đó bằng cách nào thì lời khai thu thập được không đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ. Bởi lẽ, có những trường hợp người làm chứng khai báo thông tin không đúng sự thật: có thể trên thực tế có những tình tiết như người làm chứng khai báo nhưng đã bị bóp méo theo ý chí chủ quan của người làm chứng hoặc không hề có tình tiết đó nhưng người làm chứng đã cố tình xuyên tạc hay làm giả để vu khống hoặc có thể là bao che cho người đã thực hiện hành vi phạm tội.

Trên thực tế, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau như: khả năng tiếp nhận thông tin của người làm chứng, mối quan hệ giữa người làm chứng với người phạm tội hoặc người bị hại… mà lời khai của họ có thể dẫn đến việc thông tin về vụ án thiếu tính chính xác. Do đó, khi lấy lời khai của người làm chứng, việc xác minh lý do họ biết được tình tiết liên quan đến vụ án được xem là một điều bắt buộc trong quá trình cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật của vụ án.

Xem thêm: Dấu hiệu gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, khoản 2 Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định những trường hợp không được làm chứng bao gồm: người bào chữa của người bị buộc tội; người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 66 cũng quy định người làm chứng có các quyền cơ bản như sau: được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài những quyền do luật định, người làm chứng cũng phải thực hiện nghĩa vụ như sau: có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Trường hợp người làm chứng có những hành vi khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Điều 383 BLHS năm 2015, nếu người làm chứng khai không đúng sự thật, cố tình bịa đặt, cung cấp tài liệu giả mạo, gian dối nhằm chuyển hướng dư luận, nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, sẽ phải chịu chế tài hình sự với mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là 5 năm tù giam.

Ngoài ra, để bảo vệ người làm chứng, người tố giác tội phạm, bị hại và người tham gia tố tụng khác, Bộ luật TTHS năm 2015 đã dành một chương riêng – Chương 34 quy định về các biện pháp bảo vệ các đối tượng này. Theo đó, khi tham gia tố tụng, nếu người làm chứng bị cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có hành vi đe doạ hoặc cưỡng bức đến bản thân hoặc người thân thích trong gia đình thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định tại Điều 486 Bộ luật TTHS.

Trong trường hợp khẩn cấp, người làm chứng có thể đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền   áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị. Sau đó Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ, nếu đủ căn cứ thì ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và lập hồ sơ bảo vệ.

Nếu xét thấy không cần thiết áp dụng thì phải giải thích rõ cho người đã yêu cầu, đề nghị biết. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng là Cơ quan điều tra của Công an nhân dân và Cơ quan điều tra của Quân đội nhân dân (Điều 485 Bộ luật TTHS). Thời gian bảo vệ người làm chứng được tính từ khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cho đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ (Điều 489 Bộ luật TTHS).

HÃY ĐỂ LUẬT CÔNG TÂM BẢO VỆ BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU CỦA BẠN. LUẬT CÔNG TÂM NƠI GỬI TRỌN NIỀM TIN VÀO CÔNG LÝ
Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: luatsuluatcongtam@
gmail.com
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

By Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0969545660